Kết quả xổ số - Lottovnn.comDò vé số

Hãy cứ lạc quan như người đàn ông bán vé số say sưa hát trong quán cà phê ở Sài Gòn!

Cập nhật lúc: 11:03 Thứ Năm, 11/08/2016

Người đàn ông bán vé xổ số trong bộ quần áo cũ mèm, đội một chiếc nón rộng vành, đeo một chiếc túi nhỏ và trên tay cầm một xấp vé số đi vào quán cà phê. Ông gọi một ly cà phê và đăng ký để được lên sân khấu hát.

Mỗi người con xa quê hương đều đau đáu trong lòng một nỗi nhớ da diết đến lạ, nhớ những buổi chiều tà được quây quần bên mâm cơm với gia đình, nhớ lũ bạn tinh nghịch bên bờ đê… Dòng đời cứ thế cuốn trôi con người ta đi về những nơi xa mà đôi khi chẳng biết đường về. Vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người buộc phải tha phương cầu thực.

Tối ngày 7/8, tôi và những người bạn của mình đến nghe nhạc tại một quán cà phê Acoustics trên đường Đồng Đen (quận Tân Bình, TP. HCM), một nhân vật đặc biệt đã xuất hiện khiến chúng tôi cứ nhớ mãi về ông và những câu hát của ông đến tận bây giờ.

Người đàn ông bán vé xổ số ở thành phố Hồ Chí Minh trong bộ quần áo cũ mèm, đội một chiếc nón rộng vành, đeo một chiếc túi nhỏ và trên tay cầm một xấp vé số đi vào quán cà phê. Ông gọi một ly cà phê và đăng ký để được lên sân khấu hát.

Mười mấy phút sau, người đàn ông bước lên sân khấu, dáng vẻ rụt rè, chân quê, trên tay vẫn còn cầm nguyên xấp vé số, ông giới thiệu mình tên là Tâm và cả căn phòng dường như lặng im để lắng nghe ông nói. Ông tươi cười kể lại cho chúng tôi nghe về những ngày tháng khó khăn khi mới vào Sài Gòn bán vé số, về những ngày đi hàng chục cây số để bán mà lòng xao xuyến cô đơn, từng lời của ông như những dòng tự sự thật buồn mà hào sảng.

Ông Tâm bán vé số tại khu vực ngã tư Bảy Hiền, dù rất vất vả nhưng ông luôn biết cách làm cho cuộc sống bớt buồn khổ.

Trước khi bắt đầu vào bài hát, ông Tâm đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ do ông tự sáng tác:

“Ngồi giữa Bảy Hiền một buổi trưa buồn lắm!

Bốn hướng đi xé dọc băng ngang

Lời thơ buồn viết tặng kẻ lang thang

Tay cầm số chào hàng mời khách

Ở nơi đây muôn người lạ mặt

Cũng như quen mở rộng lòng thương

Cứ đêm về lòng sao lắm vấn vương

Nơi đây mình nhớ quê hương lắm nhiều!”.

Kết bài thơ, ông Tâm hóm hỉnh xin phép được góp vui bằng tiếng đàn mà ông gọi là “tiếng đàn những lúc thời thơ trẻ”. Để xấp vé số vào túi, ông cầm lấy cây đàn guitar, âm nhạc vang lên, người đàn ông cất vang bài hát “Một đời người một rừng cây”.

“Ai cũng một thời trẻ trai, cũng thường nghĩ về đời mình. Phải đâu may nhờ rủi chịu, phải đâu trong đục cũng đành…” – ông vừa hát vừa đàn, trên môi lúc nào cũng nở một nụ cười thật yêu đời. Có lẽ lúc này chính ông cũng đang hòa mình vào âm nhạc để nghĩ về đời mình.

Tiếng đàn điêu luyện của người đàn ông thật sự lay động tất cả những người có mặt trong buổi tối hôm ấy.

Từng ngón tay điêu luyện lướt trên cây đàn, chúng tôi cứ ngỡ mình đang được xem một nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn. Ông kết thúc phần trình diễn bằng một đoạn vọng cổ kể về công việc bán vé số của mình.

Trả cây đàn về vị trí cũ, người đàn ông bước xuống và ra về vì ông còn phải tiếp tục rong ruổi trên những nẻo đường để bán hết xấp vé số trên tay. Chúng tôi lặng đi rất lâu vì chính sự yêu đời, cách vượt qua khó khăn của người đàn ông ấy. Ai cũng có những nỗi niềm riêng, nhất là những người con xa quê hương như ông và chúng tôi, thế nhưng có mấy ai lạc quan và mạnh mẽ được như thế.

Xin cảm ơn ông người đàn ông bán vé số có tiếng đàn lay động những trái tim!

Theo Trí Thức Trẻ